An ninh đô thị
Thứ 6, 29/03/2024

Ca sỹ Trần Lực: Hạnh phúc là được hát trên mảnh đất quê hương

06/23/2018

Ngay từ tấm bé chàng trai Trần Lực đã có một ước mơ cháy bỏng, trở thành ca sỹ chuyên nghiệp. Giấc mơ cháy bỏng ấy đã thôi thúc Lực tìm đến chân trời nghệ thuật dù em là chàng trai “quê kiểng”, sinh ra trong một gia đình nghèo khó nơi vùng miền núi Quỳ Hợp.

 

Hát với cây đàn tự chế

Lực kể rằng em mê hát đến nỗi, cái ngày mà cả vùng quê Đồng Hợp - Quỳ Hợp không ai có nổi một cây đàn, không có nơi nào tổ chức văn nghệ mà có đàn đệm, và người hát cứ thế nhẩm nhịp, hát chay. Thế rồi em đã tự chế cho mình một cây đàn để có thể phiêu trong những bài hát mà em nhẩm được từ băng cassette mà em mẹ mua được từ chợ huyện.

Ca sỹ Trần Lực sinh năm 1985 - là ca sỹ của Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh. Ảnh: NVCC

Tiếc là cây đàn đó không ngân lên được những âm thanh mong muốn bởi đó là cây đàn em tự mày mò để chế từ cây gỗ vườn nhà và phần lõi của dây phanh xe đạp. Thế nhưng thành quả đó đã khiến Lực thỏa được niềm đam mê, ngân lên những giai điệu quen thuộc “Giận mà thương”, “Dưới giàn thiên lý” hay “Rặng trâm bầu” từ băng cassette tiếng hát NSND Tiến Dũng.

Niềm đam mê của em được hàng xóm biết đến, được anh chị em trong nhà dõi theo cổ vũ, “chú em tận dưới Vinh lên chơi thấy cháu say sưa hát với cây đàn tự chế thì thương quá đã tìm mua cho em cây guitar”, Lực nhớ lại. Kể từ đó cây guitar chính là người bạn tri kỷ của Lực cũng là phương tiện để em có thể chứng tỏ bản thân và nuôi đam mê lớn từng ngày.

Thế nhưng ở xã nghèo quê em không có mấy chương trình văn nghệ để những ca sỹ nhí như Lực có đất dụng võ, em chỉ tham gia những tiết mục văn nghệ ở trường, ở lớp và “chủ yếu là hát ở nhà cho anh chị em và hàng xóm nghe chơi”. “Lúc đó vì không có phương tiện nên mỗi lần thấy ca sỹ Trọng Tấn hát trên ti vi là em nuốt lấy từng lời, ghi những lời hát nhẩm được vào tờ giấy rồi hát theo, và trong tâm trí lúc nào cũng mong muốn mình có thể đạt được kỹ thuật luyến láy nhả chữ như ca sỹ thần tượng” - Lực chia sẻ.

Đã đam mê là dấn thân, là nguyện đi theo con đường mà mình đã ấp ủ từ tấm bé nên sau khi kết thúc kỳ thi THPT thay vì chọn trường, chọn ngành như các bạn đồng trang lứa, Lực đã một mình khăn gói xuống Vinh tìm thầy học ôn thanh nhạc. Như là sự thiên phú, những khó khăn mà các môn sinh khác phải trải qua về nhịp, phách về cao độ đã được chàng trai nghèo vượt qua nhanh chóng.

Bởi giọng hát của Lực ngoài quãng cao đáng nể, là sự mượt mà, da diết trong cách nhả chữ, luyến láy. “Bởi thế giờ đây khi em hát nhạc nhẹ, nhạc thính phòng em vẫn đạt chuẩn về âm thanh, về tư tưởng của ca khúc, nhưng khi hát các ca khúc dân gian thì mới chính là em”- Lực cho biết.

 

Ca sỹ Trần Lực với ca khúc Phía quê.

Tự tin dấn thân vào nghề

Sau khi thi đỗ vào trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh với số điểm khá cao, Lực tự tin đăng ký thi vào trường Văn hóa nghệ thuật quân đội với tỷ lệ “chọi khủng”. Thế nhưng khi hồi tưởng lại những dòng ký ức này Lực cho biết em chẳng hề run sợ, cũng chẳng hề tự ti khi mình là chàng trai vùng miền núi ra tận chốn phồn hoa đô hội để dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Ca sỹ Trần Lực và bạn diễn ca sỹ Quế Thương trong một show diễn. Ảnh: NVCC

Thế rồi bằng sự tự tin đó và bằng cả những năng khiếu thiên bẩm, Lực là một trong số ít thí sinh được chọn trong kỳ thi tuyển năm 2003 vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

Thi vào trường đã khó, học để trưởng thành trong môi trường này còn khó khăn gấp bội. Bởi quá trình theo học ở đây, sinh viên phải tự rèn luyện mình bằng những va chạm với môi trường showbiz, bằng việc chạy “sô” để được học hỏi, để có được kỹ năng thực hành và nhất là có được sự trải nghiệm cần thiết mà nghề này đòi hỏi. “Có những ngày chúng em chạy sô rát hết cả cổ, nhưng chỉ được vài trăm ngàn, thế nhưng đó là mồ hôi, là công sức và cũng là thành quả lao động để mình tự tin hơn khi ra cuộc sống”. Lực nói.

Anh cũng cho biết, chút thù lao ít ỏi trong những lần đi hát ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng giúp Trần Lực thêm thắt để trang trải thêm cho cuộc sống sinh viên. “Bởi anh trai em một mình vất vả chạy xe để nuôi mấy anh em ăn học, có lúc anh ấy đã phải bán máu để thêm vài đồng cho đứa em theo nghiệp cầm ca là em”.

Nhắc đến đây Lực xúc động và nói: “Mình phải biết ơn những người thân suốt đời chân lấm tay bùn cho mình có ngày được đứng trên sân khấu phồn hoa, để từ đó mà nhắc nhớ mình luôn nỗ lực, luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân, mong ngày báo đáp”.

Quả ngọt ngày trở về

Ra trường Lực được Đoàn văn công Tổng cục hậu cần - QK4 tuyển chọn, nhưng biết mình không thể trụ vững trong môi trường nhiều cạnh tranh này, em đã chọn cho mình hướng đi bình yên hơn, “rộng đất hơn”, đó là trở về quê hương. Khi nhận được thông tin này Lực đã được đích thân Trưởng đoàn ca múa dân tộc tỉnh mời vào đoàn, với mong muốn Trần Lực sẽ gắn bó lâu dài với đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh.

Giờ đây sau gần 10 năm vào đoàn Lực đã là cây solo chính, có sức ảnh hưởng lớn của đoàn ca múa dân tộc. Nhắc đến Nguyễn Kế Lực chàng ca sỹ có nghệ danh Trần Lực không ai không thán phục bởi sự đa năng trong phong cách của anh. Anh có thể hát nhạc trẻ, thính phòng nhưng những bài hát mang âm hưởng dân ca lại là những ca khúc giúp Lực đóng đinh trong lòng khán giả.

Ca sỹ Trần Lực và ca sỹ Lan Hương trong một ca khúc mang âm hưởng dân ca miền núi. Ảnh: NVCC

Đó là Cánh buồm lông ngỗng (Văn Đờn), Tiếng khèn gọi bạn (Trịnh Quang Thuận),  Câu ví giặm sang sông (Viết Kỳ), Những chàng trai trên lâm trường (Vũ Duy Cương). Một trong những ca khúc này cũng đã giúp Lực có thêm nhiều giải thưởng trong cuộc đời làm ca sỹ của mình. Như HCV Hội diễn Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 với “Những chàng trai trên lâm trường”; giải A  Liên hoan Âm nhạc khu vực  Bắc Miền Trung năm 2015 với bài “Cánh buồm lông ngỗng”...

Càng đi với nghề, càng trải nghiệm, Lực càng có thêm được những chặng hành trình thú vị, bởi tuy là môi trường nghệ thuật tỉnh lẻ nhưng nơi đây Lực có được sự ưu ái của đông đảo khán giả, có được sự ghi nhận của những người làm nghề chuyên nghiệp. “Vì thế nếu chọn lại em vẫn chọn về quê hương, về ngôi nhà đã cho em những bước đi đầu tiên, về nơi em có tổ ấm, có được sự săn sóc đùm bọc của gia đình”.

Vì thế quan điểm của Lực là không có sân khấu nào là không nên hát, không có môi trường nào là không nên trải nghiệm “bởi được hát, được kiếm tiền bằng lao động chân chính đó là hạnh phúc của một ca sỹ” - Trần Lực cho hay./.

Sự kiện nổi bật