An ninh đô thị
Thứ 6, 29/03/2024

Sự xuống dốc không phanh của bóng đá Ả Rập Xê Út

06/23/2018

Từ niềm tự hào của châu Á…

Phải mất 28 năm kể từ ngày CHDCND Triều Tiên giành hạng tư tại World Cup 1966, châu lục đông dân nhất thế giới mới có thêm một đại diện lọt qua vòng đấu bảng. Đội bóng làm được điều đó không ai khác, chính là Ả Rập Xê Út.

Tại USA 1994, Ả Rập Xê Út nằm cùng bảng đấu với Hà Lan, Bỉ và Morocco. Không mấy ai tin, đội bóng đến từ vùng Tây Á có thể làm nên điều bất ngờ trên đất Mỹ.

Đúng là trong bóng đá không thể nói trước được điều gì. Ả Rập Xê Út đã liên tiếp tạo nên bất ngờ này đến ngạc nhiên nọ. Ở trận đấu ra quân, đội bóng có biệt danh “Chim ưng xanh” đã suýt chút nữa cầm chân ứng cử viên vô địch, Hà Lan (thua 1 - 2).

Tưởng như thất bại trước “Cơn lốc màu da cam”, sẽ khiến Ả Rập Xê Út phải sớm xách hành lý về nước. Nhưng, một “cơn địa chấn” nhỏ đã xảy ra.

Sau khi đánh bại đối thủ ngang cơ là Morocco (2 - 1), Ả Rập Xê Út bước vào màn so tài với Bỉ ở lượt trận cuối cùng vòng bảng. Xét trên mọi phương diện, “Chim ưng xanh” không thể sánh được với “Bầy quỷ đỏ”.

Tuy nhiên, pha lập công duy nhất của cầu thủ Owairan đã giúp Ả Rập Xê Út vượt qua Bỉ với tỉ số 1 - 0 và lọt vào vòng 1/16 với tư cách là đội Nhì bảng (Hà Lan đứng đầu).

Owairan ăn mừng bàn thắng vào lưới Bỉ năm 1994. Ảnh: Internet
Bàn thắng của Owairan vào lưới Bỉ được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất World Cup 1994, và cũng là một trong những pha lập công đẹp nhất qua các kỳ World Cup.
Dù phải dừng bước trước Thụy Điển ở vòng 1/16 (thua 1 - 3), tuy nhiên với những gì đã làm được tại USA 1994, Ả Rập Xê Út xứng đáng là niềm tự hào của bóng đá châu Á.

Đáng tiếc, kể từ đó đến nay, “Chim ưng xanh” chỉ toàn gây nên những nỗi thất vọng. Mỗi lần đến với các VCK World Cup, Ả Rập Xê Út chỉ tham gia với vị thế của “kẻ lót đường”.

Thành tích vang dội trên đất Mỹ năm 1994, không thể trở thành “bàn đạp” để giúp bóng đá Ả Rập Xê Út phát triển hơn. Niềm tự hào của bóng đá châu Á năm nào, giờ đã trở thành “kẻ ăn mày dĩ vãng”.  

… đến thất vọng 

Để thua Uruguay ở trận đấu vừa qua, Ả Rập Xê Út đã có lần thứ 4 liên tiếp không giành nổi tấm vé vào chơi ở vòng 1/16 (1998, 2002, 2006, 2018). Đây là thành tích quá thất vọng với đội bóng đến từ vùng Tây Á.

Chứng kiến các cầu thủ Ả Rập Xê Út thi đấu ở những kỳ World Cup gần đây, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá châu Á không khỏi thất vọng và xấu hổ.

Không chỉ yếu kém về trình độ chuyên môn, mà ngay đến cả tinh thần thi đấu, “Chim ưng xanh” cũng không thể hiện được. Các cầu thủ Ả Rập Xê Út thi đấu vật vờ, bạc nhược, giống “quân xanh” cho đối thủ đá tập.

Phòng thủ thì hời hợt, tấn công thì thiếu ý tưởng. Quan sát lối chơi của Ả Rập Xê Út, thật khó tin khi họ đang là đội bóng đứng thứ 3 châu Á (Bảng xếp hạng FIFA tháng 6/2018).

Các cầu thủ Ả Rập Xê Út thất vọng sau trận thua Uruguay. Ảnh: Internet
Kết thúc trận đấu khai mạc World Cup 2018 (Nga 5 - 0 Ả Rập Xê Út), cộng đồng mạng đã kêu gọi FIFA cấm Ả Rập Xê Út tham dự World Cup vì…quá yếu. 5 bàn thắng mà đội chủ nhà Nga có được, công lớn lại thuộc về thầy trò HLV Pizzi. Nếu các cầu thủ Nga chính xác hơn trong những pha dứt điểm, tỉ số sẽ còn cách biệt lớn hơn nữa.  

Trong trận thua Uruguay mới đây cũng vậy. Các cầu thủ Ả Rập Xê Út không cho thấy một chút gì gọi là tinh thần thi đấu, ý chí quyết tâm. Ngay cả khi bị ghi bàn dẫn trước, ngay cả khi rơi vào tình thế không còn gì để mất (bị loại), Hawsawi và các đồng đội vẫn chơi như thể họ đang dẫn bàn hoặc họ đang ở trong một trận đấu tập nội bộ.

So sánh với những Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, thầy trò HLV Pizzi chính là nỗi hổ thẹn của nền bóng đá châu Á. Thắng hay thua thì những đội bóng trên cũng ít nhiều thể hiện được sự quyết tâm trong từng pha bóng, trong từng trận đấu. Họ rời sân, rời giải đấu với tư thế ngẩng cao đầu, không phải như cách Ả Rập Xê Út đã và đang chứng tỏ.

Chợt nhớ, “Chim ưng xanh” là một trong những đội bóng nhận trận thua có cách biệt lớn nhất tại các kỳ World Cup. Ở World Cup 2002 được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Ả Rập Xê Út từng bị Đức vùi dập với tỉ số 8 - 0.

Sau trận đấu Hungary 10 - 1 El Salvado năm 1982, chưa có đội bóng nào thua đậm như Ả Rập Xê Út, cách đây 16 năm.

Cho nên, gọi Ả Rập Xê Út là “nỗi hổ thẹn của bóng đá châu Á” cũng không có gì là quá lời./.

 

Thanh Hưng

Sự kiện nổi bật